Hành Trình Nhận Lời Mời Định Cư Úc Từ Visa 462 Của Mình Như Thế Nào?
Nội dung bài viết
Định cư Úc từ Visa 462 liệu có khả thi hay không? Để trả lời cho câu hỏi này, hãy đến với câu chuyện của bạn Kim Nguyễn – 1 trong 200 bạn đầu tiên tham gia chương trình Visa 462 – Work and Holiday và cũng là một trong những thành viên đầu tiên của nhóm Hành trình tới Úc.
Đầu năm 2021, Kim đã may mắn nhận được lời mời trở thành cư dân nước Úc theo diện bảo lãnh bang của Tasmania chỉ sau 4 ngày làm việc với vị trí Enrolled Nurse. Hãy cùng PTE Helper lắng nghe chia sẻ của bạn về quá trình Làm Việc – Học Tập – Định cư Úc thành công từ Visa 462 nhé!

“Hello cả nhà, hôm nay mình muốn chia niềm vui cũng mình cũng như muốn truyền cảm hứng cho các bạn có niềm tin hơn về cuộc sống! Sơ lược về mình tí mình là một trong 200 người của WHV mùa đầu tiên và cũng là một trong những thành viên đầu tiên của group Hành trình tới Úc.
Mình đã nộp Visa 462 bằng mớ tiếng Anh ít ỏi nhưng bằng cả một niềm tin lớn vào ước mơ được sống và hòa nhập ở Úc. Mục tiêu của mình là sẽ được đi học trở lại và tìm cách được ở lại Úc. Mình thật sự ngưỡng mộ những bạn tìm được việc tốt ở Úc với mức lương cao. Những lúc đó mình tự nhủ với bản thân khi nào được ở lại Úc thì kiếm tiền vẫn chưa muộn.
Những công việc đầu tiên khi mới bắt đầu hành trình Định cư Úc từ Visa 462

Mình đã note lại thời gian đặt chân đến Úc từ sau khi nhận lời mời Định cư Úc từ Visa 462 như sau:
- Ngày 27/12/2017, Mình bay từ Việt Nam sang Úc
- 4 ngày sau mình làm công việc đầu tiên là chạy bàn ở một nhà hàng Việt lương 10$/h
- Sau đó mình bán bánh mì 13$/ giờ (2 ngày)
- Bán hàng siêu thị IGA 20$/ giờ (3 buổi)
- Làm nails 18$/ giờ (3 ngày)
- Mình bỏ 1 job là cashier tại IGA để tập trung thời gian học Anh văn
- Tháng 09/2018, mình có PTE 65 để làm hồ sơ du học ở Tasmania
- Tháng 02/2019, mình đặt chân đến Tasmania và không làm gì vì mục tiêu của mình khi ấy chỉ là học thôi.
- Tháng 11/2019, mình hoàn thành thực tập viện dưỡng lão. Bắt đầu săn job. Gửi hơn trăm hồ sơ hôm nào cũng nhận khoảng 2-4 email rớt nhưng được mời interview 2 lần và rớt interview do thiếu hiểu biết.
- Tháng 01/2020, mình làm packing cherry mùa holiday 23$/h.
- Tới ngày 27/5/2020, cuối cùng mình cũng có job từ chính phủ.
Hành trình Định cư Úc từ Visa 462 cho tới Visa 190

Mình đặt mục tiêu năm đầu là có PTE 65 và đủ tiền học khóa học Y tá Cao đẳng là 24000$. Và mình đã hoàn thành mục tiêu đó trọn vẹn năm 2018. Mình bắt đầu một trang mới cắp sách tới trường với danh nghĩa một du học sinh chính hiệu. Mình hoàn toàn không đi làm cho năm đầu tiên bởi vì mình toàn tâm tập trung học và tiếng Anh của mình cũng yếu thời điểm đó.
Hồi còn là sinh viên Y tá Cao đẳng, mình đã có được việc tốt là trợ lý y tá ở bệnh viện lớn của Hobart – Tasmania. Với những bạn khác đó là điều bình thường nhưng với mình nó thật sự có ý nghĩa rất lớn từ một đứa bập bõm tiếng Anh và đi trên một hành trình mà đánh đổi bằng nước mắt và tiền bạc nhưng lại không biết tương lai ra sao. Mình đã rất nhiều lần bị thất bại, rất nhiều lần khóc, căng thẳng trong suốt 5 tháng săn việc. Job nộp online thì coi như tự động là rớt vì không có kinh nghiệm, không phải là Australian/PR, không có bằng lái Úc mà chỉ có Visa sinh viên và hạn dưới 1 năm.
Rồi khi tốt nghiệp và nhìn lại quãng đường mình đã đi, điều mình tự hào nhất không chỉ là tấm vé PR mà mình còn là 1 trong 12 graduate nurse (EN) trên toàn bang Tasmania được đậu chương trình Transition to Practice. Vì sao điều này khiến mình tự hào? Một năm có khoảng 200 Enrolled Nurse ra trường và mình đã cạnh tranh với các bạn người Úc để có được 1 suất trong hàng ngũ nhân viên bệnh viện.
Với chương trình này mình được nhận lương như một y tá và được hướng dẫn, huấn luyện nhiều kỹ năng chuyên sâu mà hầu như không được học ở trường! Mình chỉ nộp duy nhất 1 hồ sơ và mình đã đậu! Mình quá là tự hào về cái kinh nghiệm phỏng vấn và viết bài selection criteria cho hồ sơ của mình.
Lời khuyên cho các bạn trẻ đang có ước mơ Định cư Úc từ Visa 462

Về điều kiện tiếng Anh
Lời khuyên của mình là nếu muốn theo con đường này nên cố gắng học Anh văn sẽ giúp bạn rất nhiều trong học tập cũng như tiết kiệm rất nhiều tiền. Đúng là chỉ cần PTE 30 thì đã thoả điều kiện Visa 462 rồi nhưng theo quan điểm cá nhân mình các bạn nên cố gắng trao dồi khả năng ngoại ngữ càng cao càng tốt.
Mình ví dụ như thế này giữa 2 người cùng nộp đơn xin việc Pha chế cà phê. Người ta sẽ ưu tiên người giỏi tiếng Anh và hơn là người pha cà phê giỏi mà không giỏi giao tiếp tiếng Anh.
Thêm phần nữa nếu những bạn có ý định ở lại Úc học sau khi hết Visa 462 thì tiếng Anh lại cực kì quan trọng. Mình ví dụ từ chính kinh nghiệm của bản thân như thế này: mình muốn học ngành gì để ở lại Úc mà tốn ít chi phí nhất và nhanh nhất trước khi luật Úc thay đổi. Ngành điều dưỡng là lựa chọn của mình. Nếu mình có IELTS 7.0 đều hoặc PTE 65 thì mình có thể học khoá cao đẳng y tá gọi là Enrolled Nurse chỉ với chi phí 24000$ cho 18 tháng học.
Sau đó mình sẽ có cơ hội apply cho Visa 190 hoặc 491. Nếu không đủ điểm đó mình sẽ phải học 1 khoá tiếng Anh rẻ nhất là 200$/tuần cho đến khi đủ trình độ tiếng Anh để học đại học điều dưỡng Registered Nurse. Khoá học đó sẽ kéo dài 3 năm và khoảng trên 30000$/năm.
Sau khi học xong lại tiếp tục thi tiếng Anh sao cho đủ IELTS 7.0 hoặc PTE 65 để được cấp giấy phép hành nghề. Nếu các bạn nào có ý định về con đường định cư bằng tay nghề sẽ có thể hiểu được giá trị của điểm tiếng Anh như thế nào.
Bởi vậy đừng chỉ tìm đại một nơi học cho đủ điểm đạt visa. Nếu đầu tư vào tiếng Anh hãy đầu tư học ở một nơi đáng tin cậy, chất lượng tốt và dịch vụ tận tâm. Mình đã từng trong cảnh cày 7/7 sáng từ 5:30 thức và tối gần 9h đêm mới về nhà. Mình từng làm chạy bàn với mức lương chỉ 10$/h chỉ vì dở tiếng Anh. Mình từng stress cực độ khi nghĩ ra cảnh không được học ngành mình muốn, bỏ ra số tiền khổng lồ để học theo đuổi ước mơ PR. Mình đã từng vừa ngủ gục vừa học 10-12PM. Mình đã từng khóc như mưa trên xe lửa khi đạt được PTE65 khi gốc tiếng Anh IELTS là 5.5.
Đừng như mình. Đừng đợi qua Úc mới học tiếng Anh. Đừng để lao động vất vả và nhận mức 10$/h do không sử dụng tiếng Anh tốt. Đừng để những năm tháng tuổi trẻ cấy cày và đóng tiền học ở Úc. Mình đã chọn PTE Helper sau khi nộp Visa 462 và rất nhiều người bạn của mình đều đã đạt được điểm số mơ ước. PTE Helper thật sự có thể giúp các bạn đạt điểm cao và nâng cao trình độ tiếng Anh.
Về tương lai của bạn
Hãy chủ động tìm hiểu con đường định cư ở các vùng như Bắc Úc, Nam Úc và Tasmania; chứ đừng học ở các thành phố lớn nếu bạn không thực sự giỏi và tài chính không đủ mạnh.
Hãy chuẩn bị tinh thần cho cuộc leo đỉnh PR nó đầy nước mắt cũng như hạnh phúc nếu bạn vượt qua. Hãy tích cực tham gia các công tác xã hội, chủ động trong lớp học để thầy cô ấn tượng tốt vì chính thầy cô sẽ là người giới thiệu để bạn có được công việc đầu tiên.
Hãy chuẩn bị tài chính tốt để theo đuổi chứ đừng nghĩ rằng sẽ vừa học vừa làm rồi được định cư. Thật sự có người vẫn làm được điều đó nhưng với mình họ là thần đồng rồi. Học y tá thật sự rất mệt mỏi và kiệt quệ.
Mấu chốt cho vấn đề mình được lời mời định cư chỉ 4 ngày làm việc là mình được sự hỗ trợ rất nhiều mặt và may mắn. Nếu bạn không thích nghề y tá thì vẫn còn nhiều ngành khác có cơ hội định cư từ Visa 462.
Câu hỏi thường gặp về Định cư Úc từ Visa 462

Có nên học y tá cao đẳng hay đại học để nhắm đến định cư Úc?
Mình sẽ làm so sánh giữa 2 bằng cấp một cách ngắn ngọn nhất và trong vốn hiểu biết hạn hẹp của bản thân. Cả 2 đều yêu cầu tiếng Anh đầu vào IELTS 7.0 hay PTE 65 từng kỹ năng và để làm chứng chỉ hành nghề cũng thế. May mắn mình sử dụng duy nhất 1 bảng điểm PTE từ lúc nhập học, ra trường và định cư.
Với Diploma of Nursing bạn cần đóng học phí khoảng 25000$ cho khoá học 18 tháng và khi ra trường sẽ là Enrolled Nurse. Còn học Bachelor of nursing thì tiền học khoảng hơn 100000$ cho 3 năm học đại học và ra trường sẽ là Registered Nurse.
Học bằng nào dễ định cư sớm nhất nhanh nhất? Thật ra mình không thể trả lời được câu hỏi này vì chính sách định cư của từng bang khác nhau. Hiện tại RN thì nằm trong chính sách định cư long term còn EN thì short term. Nghĩa là dạo gần đây thiên hạ đồn y tá dễ định cư nghĩa là đang nói về RN. Còn EN thì hên xui có khi bỏ vô danh sách định cư có khi hứng thì loại ra khỏi danh sách.
Bởi thế nên dù học bất cứ ngành gì các bạn cũng nên tìm hiểu kỹ bạn thích học ngành gì, ngành đó yêu cầu gì để nhập học và ra trường, bản thân có khả năng thoả mãn yêu cầu đó không, và tìm hiểu xu hướng định cư của từng bang xem ngành đó có được bang bảo lãnh trong nhưng năm gần đây hay không, và quan trọng né luôn mấy bang NSW (Sydney), Victoria (Melbourne), Western( Perth).
Vậy ý mình là muốn du học định cư tốt nhất học những vùng sâu vùng xa nơi chính phủ khuyến khích và dễ thở. Đương nhiên cái nào cũng có cái giá của nó học vùng ít dân thì khó tìm việc làm còn học cao đẳng ít tiền thì visa ngắn chỉ vừa đủ khoá học khó tìm việc. Nếu vẫn nhất quyết đi theo con đường như Kim thì lời khuyên là gì? Các bạn nên và rất rất nên học certificate 3 in Aged care trước khi học khoá diploma.
Cần chuẩn bị gì trong quá trình học để hỗ trợ cho việc xin visa?
Bạn nên tham gia tình nguyện với mình bạn nên hoạt động chỗ nào mà cấp chứng chỉ volunteer ít nhất 3 cái! Mình toàn tham gia mấy cái hoạt động chỉ 1 ngày mà có chứng chỉ chư ko có thời gian tham gia mấy cái cam kết ít nhất 6 tháng. Mấy bạn lựa cái tổ chức nào y tín chút chút.
Ngoài ra cần có thái độ học tập nghiêm túc để sau này còn nhờ vả thầy cô là người giới thiệu cho hồ sơ xin việc của mình. Tham gia các hoạt động của trường tích cực để xin thư giới thiệu từ trường để dành cho hồ sơ định cư. May mắn có việc làm thì cố làm chăm chỉ để xin giấy giới thiệu ở chỗ làm. Và nếu cố quá mà ko có job thì xin làm tình nguyện viên trong bệnh viện, viện dưỡng lão để bổ sung cho hồ sơ sau này.
Rủi ro đi theo con đường định cư Úc là gì?
Đời không như mơ và con đường định cư còn xa quá mà hết tiền. Khi bạn quyết tâm định cư bằng con đường học thì nên chia sẻ với bố mẹ và chuẩn bị 1 phần tài chính cho việc học. Có một số bạn vừa học vừa làm nhưng phải thật sự cố gắng vì sẽ có những áp lực nhất định về mặt tài chính và cả ở việc học. Tốt nhất trong mùa dịch này rãnh ở nhà cách ly thì luyện thêm tiếng anh vì tiếng Anh tốt thì cũng dễ tìm việc hơn, lương cũng cao hơn chứ đừng đợi qua Úc rồi đi học hay lấy lý do là bạn bận việc này nọ chưa tập trung được.
Có nên theo đuổi con đường định cư hay không?
Tuỳ thuộc vào bạn nếu bạn tin bạn làm được và mọi việc bạn làm đều hướng đến định cư thì mình tin chắc bạn sẽ làm được. Còn bạn chưa bắt đầu mà sợ cái này cái kia và không chịu bỏ công sức cố gắng thì khó mà leo lên tới đỉnh PR (thường trú nhân Úc). Mình chưa bao giờ bỏ cuộc trong 3 năm qua. Lúc đi làm với visa 462 mình chạy bàn chỉ 10$/h thôi, mấy bạn làm được lương trên mức đó là giỏi hơn mình rồi.
Tiếng Anh mình chỉ đủ giao tiếp thôi mỗi lần làm assignment bạn chung lớp làm vài tiếng là xong mình phải làm miệt mài cả 2 tuần mới xong. Lúc trả bài lại mình sai 60% và phải nộp bài lại. Hôm nào cô kiểm tra trên lớp mình chỉ làm đúng 3/20 câu. Không phải mình mê chơi không lo học mà não mình không nhớ nhiều từ tiếng anh mới quá mình ôm sách cả ngày nhưng chữ nó không nhớ mình. Mình nói với cô lần này em không biết nhưng lần sau em sẽ nhất định làm được tốt hơn.
Trong lớp có những câu hỏi rất bình thường nhưng do mình không hiểu câu hỏi, không có từ vựng để phát biểu và không có kiến thức cơ bản về vấn đề sức khoẻ… mình toàn im như hến cặm cụi chép bài. Về nhà mỗi ngày dịch ra khoảng 200 từ vựng để đọc hiểu bài coi như hết 1 ngày thì lấy đâu ra thời gian cho bài ngấm vô người rồi còn làm assignment. Vậy mà sau 6 tháng học ngày đêm cặm cụi mình cũng đã biết giơ tay phát biểu trên lớp, tốc độ làm bài tăng lên chút.
Mình cũng hy vọng câu chuyện của mình sẽ là một nguồn động viên tinh thần cho các anh chị, các bạn ngày đêm nỗ lực để chinh phục đỉnh OlymPR (thường trú nhân Úc). Mình mong các anh chị và các bạn luôn giữ gìn sức khỏe và tinh thần lạc quan và tập trung vào những điều mình có thể làm được nhằm đạt được mục tiêu. Mình tin mọi nỗ lực và cố gắng sẽ được đền đáp xứng đáng.
Xem thêm: Thông tin chi tiết về chứng chỉ PTE Academic
Xem them bài viết:
- Visa 462 yêu cầu gì – Điều kiện, thủ tục, quy trình nộp visa 462 úc
- Trả lời: Có nên học khóa học cho visa 462 Working Holiday
- Những câu hỏi thường gặp về visa 462 úc nhất định phải biết!
- Hướng dẫn xin visa 462 Úc