Việc Làm Ở Bắc Úc Với Visa 462 Qua Góc Nhìn Của Một Bartender
Nội dung bài viết
Bắc Úc ở đâu và là nơi như thế nào?
Lãnh thổ phía Bắc Úc (Northern Territory) tuy chưa được biết đến nhiều so với các thành phố hiện đại như Sydney, Melbourne. Nhưng khi nhắc đến những giá trị truyền thống lịch sử cùng với những quang cảnh thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ thì không thể không nhắc tới miền đất này. Với diện tích hơn 1.300.000 km2, lãnh thổ phía Bắc Úc lớn thứ ba ở Úc nhưng dân số rất thưa thớt, chỉ hơn 200.000 người.
Darwin – thủ phủ Bắc Úc là thành phố lớn nhất, nằm cạnh biển Timor. Gắn liền với những dãy núi và bãi biển tuyệt đẹp là một khí hậu dễ chịu, bầu không khí trong lành. Ngoài ra, trong những năm gần đây, Darwin được mệnh danh là một trong những thành phố tốt nhất trên lãnh thổ nước Úc để tìm việc làm. Nếu bạn đang tìm một cơ hội nghề nghiệp mới, Darwin sẽ là lựa chọn đầy hứa hẹn với bạn.
Việc làm ở Bắc Úc qua góc nhìn của một Bartender như thế nào?
Điều kiện làm việc và mức lương ra sao? Trong bài viết này là chia sẻ về việc làm bartender với visa 462 của bạn Nguyen Phu Cuong trong nhóm Hành Trình Tới Úc – Visa 462 Làm Việc & Du Lịch – Working Holiday Australia. Bạn đã từng xin Visa 462 thành công và đã có kiến thức cũng như trải nghiệm khi làm việc ở xứ sở chuột túi, đặc biệt là vùng Bắc Úc. Sau 2 năm trải nghiệm ở nước Úc, bạn đã trở về Việt Nam và đang xây dựng một quầy bar, là nơi để truyền đạt kiến thức quầy bar thực tiễn ở Úc. Hãy cùng lắng nghe chia sẻ về công việc và hành trình này nhé!

Hành trình từ Việt Nam tới quyết định tìm kiếm việc làm ở Bắc Úc với Visa 462
“Đây là clip mình làm chia sẻ kinh nghiệm làm ở quầy Bar Úc: https://youtu.be/ightwwwpU9w
Mình đã từng có kinh nghiệm là Cocktail Bartender ở Tempo cocktail bar, Lasseters Casino ở Alice Springs – F&B Attendant ở Casbar, Juicy Rump, Goat & Bucket, Lasseters Casino ở Alice Springs; Cocktail Bartender ở Infinity bar và Sandbar ở Mindil Beach Casino Resort, Darwin; F&B Attendant ở McQueens Tarven, Adelaide. Đây là chia sẻ riêng của mình trong thời gian gần một năm mình ở Úc – Bắc Úc. Vì mình thấy có nhiều bạn mông lung chưa biết nên học gì. Có thể xem đây là một review của một nghề các bạn có thể học trước khi qua Úc:
Lúc còn ở Việt Nam mình cũng thắc mắc là nên học ngành gì để qua đây dễ tìm việc?
Lúc đó trong đầu có suy nghĩ chắc chắn phải học nghề gì đó, vì mình giao tiếp tiếng Anh ổn. Nhưng qua bên đó, ngôn ngữ chính của người ta lại là tiếng Anh. Nên chắc chắn mình đã thua người ta một bước rồi. Nên việc giỏi một nghề sẽ giúp mình dễ tìm việc hơn.

Từ lúc có visa tới lúc đi, mình dành hẳn 1 năm để sắp xếp công việc đồng thời để học những gì mình cần. Mình cũng phân vân giữa barista và bartender. Nhưng lúc đó mình cảm thấy mình thích học về rượu hơn, nên mình chọn học Bartender. Và mình trau dồi thêm khả năng giao tiếp của mình bằng việc làm tour guide cho khách nước ngoài. Mình nghĩ các bạn nên dành thời gian để luyện nghe nói ở Việt Nam. Nếu cảm thấy chưa đủ mạnh, đừng qua quá vội để rồi khó tìm việc. Vì giao tiếp là cái ấn tượng người ta đầu tiên khi cầm CV đến nộp).
Mình cũng cố gắng đi làm ở quầy bar ở Việt Nam khoảng 3 tháng để học hỏi kinh nghiệm; cũng để biết đứng ở quầy bar ngoài thực tế như thế nào.
Tại sao mình lựa chọn phía Bắc là điểm dừng chân để tìm kiếm việc làm ở Bắc Úc?
Mình chọn khu Bắc Úc đầu tiên vì mục đích gia hạn trước và cũng có người thân ở đây. Và mình nghe nói lương ở đây cao hơn ở Sydney hoặc Melbourne mặc dù làm cùng một vị trí. Nên có nhiều bạn làm chung với mình đến từ Sydney hoặc Melbourne. Chỉ bị ở đây hơi chán thôi, mà thiệt ra cũng không chán lắm.

Mình không biết về nghề Barista, nhưng thật sự, ở đâu cũng có bar, pub và những nơi giải trí lúc nào cũng có quầy bar. Dân Úc uống cà phê nhiều, và uống bia rượu cocktail cũng nhiều nữa. Đi hồ bơi cũng phải uống lon bia, kêu ly cocktail nằm tắm nắng. Rồi tối lại diện đồ để đi ăn đi uống nên việc uống rượu bia ở đây rất phổ biến.
Nên mình thấy cơ hội tìm việc ở các quầy bar là khá cao. Đặc biệt khi bạn nói bạn biết về cocktail thì người ta lại càng thích. Vì ở mấy bang khác mình không biết rõ, nhưng ở Bắc Úc (Alice Springs,…) thì người bản xứ biết về rượu bia nhiều, nhưng ít người biết về cocktail (kiến thức, kĩ thuật biểu diễn,…). Nên việc bạn biết làm cocktail và có kinh nghiệm làm cocktail thì là một điểm cộng khá lớn (mặc dù vô quầy bar sẽ ít được làm cocktail vì chủ yếu người ta uống mix, bia, vang, vì cocktail cũng hơi đắt).
Môi trường làm việc trong bar ở Úc
Và nếu có việc, và bạn đủ cứng để đứng quầy một mình, thì việc có khoảng 30 – 40 tiếng một tuần là không khó. Đồng thời được làm trong môi trường máy lạnh mát mẻ. Đứng nói chuyện với khách và giải quyết nhiều vấn đề xảy ra ở bar sẽ tăng khả năng ngoại ngữ. Nhiều khi quán vắng, đứng kiếm chuyện để làm mà vẫn có lương. Và khi bạn có kinh nghiệm làm trong bar ở Úc, đồng thời có kiến thức về cocktail thì việc đi đến những thành phố lớn hơn, làm trong môi trường chuyên nghiệp hơn để học hỏi nhiều hơn về cocktail là điều hoàn toàn có thể.
Khuyết điểm của nghề này là đồng hồ sinh học của bạn thay đổi nhiều, làm về đêm nhiều. Kết thúc ca nhiều khi là 3,4 giờ sáng rồi khoảng 5, 6 giờ chiều làm lại. Đồng thời phải đối mặt với nhiều vấn đề khá nhức đầu. Đặc biệt là tiếp xúc với người say, vì nếu bạn tiếp tục phục vụ người say xỉn, bạn sẽ bị phạt đồng thời chỗ bạn làm cũng sẽ bị phạt và bị cấm hoạt động trong một khoảng thời gian tùy theo mức độ.
Sự khác nhau giữa việc làm ở Việt Nam và việc làm ở Bắc Úc trong nghề Bartender
Sẽ có một số khác nhau mà nếu không chuẩn bị trước bạn sẽ dễ bị hoảng và bối rối. Các bạn chuẩn bị về các loại bia phổ biến ở Úc nha. Vì sẽ rót bia và khui bia rất rất nhiều và khi mới vào thì việc làm cocktail sẽ là việc của những senior bartender không à; các món ăn phổ biến ở Úc, cách thay keg, postmix,…

Về phí học Bartender:
Tầm khoảng 7.000.000 VND/ 1 khóa ở các lò luyện bartender. 10 buổi bao gồm cả thực hành – và có thể lên tập thêm kĩ năng nếu thấy cần; và 9-10tr ở các trung tâm như Á Âu (gồm 18 buổi gồm thực hành nhưng hơi ít). Vì mình quyết tâm làm Bartender nên học luôn cả 2. Thật ra thì học Á Âu trước, học xong rồi cảm thấy kĩ năng không đủ nên đi học thêm.
Theo mình, lò luyện bartender sẽ giúp bạn cứng cáp hơn trong nghề hơn. Học ở các trung tâm chuyên về kiến thức nhiều. Trong khoảng thời gian mình học, thì chỉ được làm khoảng 5 món (kể cả 2 món thi cuối kì) vì lớp học đông, khoảng 20 người. Còn ở lò luyện bartender thì 10 buổi; nhưng được thực hành khá nhiều, vì học 1 thầy kèm 4,5 học sinh hoặc nhiều khi học 1 kèm 1 luôn. Hồi đó mình học, cuối khóa có một buổi mình sẽ làm bartender chính đứng pha khoảng 10 mấy món, mời bạn bè tới uống thoải mái. Lâu lâu lại có offline họp mặt Bartender để pha chế những món signature của họ và bạn cũng có thể đứng pha nếu muốn.
“Cẩm nang sinh tồn” của mình mình sau khi đã tìm được việc làm ở Bắc Úc
Video về Alice Springs: https://youtu.be/IqtN5UKQn24
Nguồn: https://facebook.com/jackchillbar
Vị trí
Alice Springs thuộc bang Northern Territory, chính giữa của Úc, bao quanh là sa mạc.
Khí hậu
Khí hậu 4 mùa rõ rệt và độ ẩm thấp, lượng mưa của Alice Springs không nhiều. Nhưng sẽ theo đợt, có đợt sẽ mưa trong 1, 2 tuần và sau đó là ngưng luôn nguyên năm. Bạn nào dự định qua Alice Springs nghiên cứu về thời tiết để chuẩn bị đồ kĩ.
Do nằm ở sa mạc nên khí hậu sẽ có chút khắc nghiệt hơn, rất nóng hoặc rất lạnh.
- Xuân: 9 – 10 – 11 (mùa Xuân mát mẻ, nắng đẹp)
- Hạ: 12 – 1 – 2 (mùa Hè nóng, nhiệt độ trong ngày lên đến 46, 47, 48 độ; do không khí khô nên tối vẫn thấy nóng)
- Thu: 3 – 4 – 5 (mát mẻ, đẹp, lạnh về đêm)
- Đông: 6 – 7 – 8 (Lạnh, có những đêm nhiệt độ xuống 1 độ, nhưng mùa đông ở Alice Springs lại không u ám, mưa buồn như những vùng khác, vẫn có nắng ấm vào ban ngày)
Tình hình an ninh
Do Alice Springs có nhiều người thổ dân sinh sống, nên tình hình an ninh cũng có chút bất ổn. Tuy nhiên, nếu chọn khu vực sống an ninh, đi lại cẩn thận thì việc bị ảnh hưởng cũng không xảy ra. Có nhiều bạn nữ Working Holiday cũng đã ở đây rất lâu nhưng mĩnh cùng đã ở đó hơn 8 tháng và không có chuyện gì xảy ra với họ.
Phương tiện đi lại ở Bắc Úc
Xe đạp: Địa hình ở Alice Springs tương đối bằng phẳng nên việc đạp xe đạp cũng không quá khó khăn, chỉ hơi mệt những lúc trưa nắng hay khuya lạnh thôi, nhưng cũng không là vấn đề quá lớn. Giá mua xe đạp tầm 100$ – 150$, nhớ mua thêm cái ổ khoá tầm 10 – 15$ khoá lại chứ không mất xe. Nếu bạn ở nhà thì dẫn xe ra sau vườn, khoá kĩ lại. Đi ra đường thì khoá xe ở những khu đông người qua lại. Bên này có đường xe đạp riêng (chung với người đi bộ), khi qua ngã tư nhớ bấm nút để xin đường, đèn xanh nổi lên mới được qua, không là bị đụng đó.
Xe buýt: ở Alice Springs chỉ có xe buýt, không có tram hay train. Xe buýt ở đây đã phần người thổ dân sử dụng nhiều (nên có mùi đặc trưng). Với Alice Springs không quá rộng nên theo mình xe buýt không phải là lựa chọn mình muốn
Ngoài ra các bạn có thể chọn mua xe máy (scooter, motorcycle) hoặc car. Tuỳ theo nhu cầu mà các bạn cân nhắc nên mua xe nào nha. Hồi trước mình mua 1 chiếc Motorcycle $1500 Honda CB125E, chạy rất ngon, vi vu, sau này lên Darwin vẫn gửi xe lên để chạy.
Ăn uống-mua sắm
Siêu thị Woolworth và Coles nằm ngay khu trung tâm (khu trung tâm là các con đường Bath Street, Gregory Terrace, Pasons St, Hartley St, Todd St) có bán rau củ, gạo, các nhu yếu ẩm. Ngoài ra còn có IGA và những siêu thị khác (Milner Meats & Seafood để mua thịt, lâu lâu có tổ ong, gan bò, đuôi bò nữa)
Ngoài ra còn có shop Tàu Lings Supermarket trên đường Todd Street, shop Phillipin MJ Asian Pinoy Store trên đường Gregory Terrace có bán đồ của châu Á, Việt Nam: lá chuối, chao, mì gói châu Á, măng,…
Nhìn chung do nằm giữa sa mạc, xa các thành phố khác nên giá cả của đồ ăn cũng mắc hơn một chút.
Kmart nằm trên đường Bath Street – bán những đồ gia dụng sử dụng trong nhà, có bán luôn xe đạp, đồ vá xe, khoá xe,…
Thông tin nhà ở Bắc Úc
Alice Springs có các khu như sau:
Khu trung tâm:
Khu trung tâm là các con đường Bath Street, Gregory Terrace, Pasons St, Hartley St, Todd St. Khu này toàn văn phòng, nhà hàng nên không thuê nhà được
Các khu xung quanh:
Gillen, Araluen, Larapinta, Braitling, East Side, Sadadeen, The Gap, Desert Springs và khu quanh casino dọc theo sườn núi Mt John.
Hồi trước mình sống ở khu Araluen (đường Lovegrove, khu vực khá an ninh) và khu Braitling (Priest st, khá vắng vào buổi tối, cũng có thổ dân nhưng không nhiều nên mình cảm thấy nó an ninh). Hai khu vực này hơi xa trung tâm xíu (tầm 3km)
Khu Larapinta khá ok, nhưng hơi tách biệt.
Khu Gillen cũng tương đối, nhưng mình có nghe mấy vụ thổ dân phá xe ở đây.
Khu vực gần Anzac Hill (đường Hartley) và The Gap là khu vực có nhà bảo trợ cho người thổ dân ở nên cũng nhiều người thổ dân ở đây, nên lâu lâu buổi tối nghe tiếng la ré của họ.
Khu vực bờ đông của sông Todd (con sông luôn cạn) thì theo bản thân mình (vì làm đêm) không thích lắm vì khu đó hơi vắng vẻ, và đèn cũng thưa thưa nên hay sợ và tưởng tượng. Nhưng mà khu East Side cũng ok, an toàn. Khu Sadaden hơi phức tạp. Ngoài ra khu Desert Springs là khu hơi giàu giàu. Khu quanh casino dọc Mt John khá an ninh nhưng giá thuê hơi cao.
Giá cả khi thuê nhà
Giá thuê nhà nguyên căn hai phòng ngủ tầm 350 – 450/ tuần.
Giá thuê phòng tầm 150 – 180/ phòng/ tuần.
Ngoài ra thời gian đầu khi tới các bạn có thể chọn ở Hostel giá khoảng 23, 24$/ ngày để ở rồi tìm khu vực thích hợp.
Kết lại là, mình vẫn khuyên các bạn là KHI CÒN Ở VIỆT NAM hãy cố gắng tiếp cận người tuyển dụng, tìm job, dò xét tình hình job ở nơi mình muốn tới qua các group facebook, các trang web tuyển dụng,… để biết được mình có nên đến đó hay không. Bởi khi các bạn huẩn bị kĩ ở Việt Nam sẽ đỡ hơn cho mình rất nhiều khi qua đến Úc này đó!
Chúc các bạn thành công!”
Xem them bài viết:
- Visa subclass 462 là gì – Điều kiện, thủ tục, quy trình nộp visa 462 Úc
- Visa 462 của Úc: so sánh pte hay ielts cho visa 462
- Việc làm ở bắc Úc với visa 462 qua góc nhìn của một bartender
- Hướng dẫn chi tiết cách chuẩn bị đơn xin cấp visa 462 Úc
- Mua bảo hiểm y tế diện visa 462 đi Úc như thế nào?
- Điều kiện gia hạn visa 462 second year (lần 2)
- Có chuyển đổi visa 462 Úc sang visa du học được không?